“Trách nhiệm” chỉ được thực hiện thật tốt khi người làm ý thức được mình nên và cần phải làm điều này. Khi trách nhiệm đặt trên môi người khác và áp đặt trên vai người nghe thì phải gọi là “cưỡng chế” hợp pháp mới đúng.
Không biết từ bao giờ, người ta cứ hay dùng từ “trách nhiệm” để ép buộc người khác làm việc gì đó. Khi từ “trách nhiệm” được thốt ra, vô hình trung khiến người nghe cảm thấy nặng nề. Thật vậy, chẳng ai thích làm một việc mà mình bị ép buộc cả. Vì vốn dĩ sống là để được tự do lựa chọn làm những gì mình thích.
“Trách nhiệm” chỉ được thực hiện thật tốt khi người làm ý thức được mình nên và cần phải làm điều này. Khi trách nhiệm đặt trên môi người khác và áp đặt trên vai người nghe thì phải gọi là “cưỡng chế” hợp pháp mới đúng.
“Em phải làm việc này vì đây là trách nhiệm của em đối với công ty!”
Lương thì ít, làm thì nhiều, giờ lại lòi ra một đống “trách nhiệm” đối với công ty mà lúc đầu phỏng vấn không có nghe thấy. Lạ. Đây là phương thức bóc lột sức lao động một cách hợp pháp đây mà.
“Học bài đi, trách nhiệm của học sinh là học hành chăm chỉ chứ đâu phải cắm mặt vào cái máy tính. Mẹ vất luôn cái máy của con đấy!”
Không hiểu vì một lý do nào đó, cứ mỗi lần thấy mấy đứa trẻ chăm chú giải trí một chút là phụ huynh lại làm toáng lên. Trong khi bản thân họ lại kè kè bên chiếc smartphone mỗi phút. Cắm mặt vào sách vở thì không sao chứ cắm mặt vào cái màn hình kia là bỗng dưng trở thành một “tội nhân thiên cổ”. Học sinh thì không được giải trí sau hằng giờ liền học hành mệt nhọc sao?
Khi từ “trách nhiệm” được thốt ra, vô hình trung khiến người nghe cảm thấy nặng nề
“Em phải có trách nhiệm với gia đình chứ. Anh đi làm cả ngày mà em có mỗi việc chăm con mà cũng làm không xong là sao?”
Trách nhiệm với gia đình thì cả vợ hay chồng đều mang nhưng kì lạ là người đàn ông nghĩ việc chăm con là nhẹ nhàng như lông hồng, chỉ có công việc của họ là nặng nề mà thôi. Trách nhiệm vừa làm mẹ, vừa làm vợ thì ai nặng hơn ai? Trong khi anh chỉ có mỗi việc làm chồng thôi đấy.
“Em phải có trách nhiệm nuôi ba mẹ chứ, gửi nhiều tiền lên, ba mẹ già yếu rồi có làm được gì nữa đâu.”
Ừ. Em có trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ còn anh thì không à? Đâu phải em không muốn gửi nhiều tiền hơn đâu nhưng cuộc sống xa quê nhiều thứ phải lo. Một tháng thì có đến hẳn nửa tháng em ăn mì gói để cho no cái bụng, em còn phải tăng ca và làm thêm một công việc khác. Em đã cố hết sức để vừa tồn tại, vừa nuôi dưỡng cha mẹ. Anh thì làm gì?
Chính vì hai từ “trách nhiệm” đó khiến con người thở không ra hơi. Nhịp sống cứ nhanh dần, hơi thở càng lúc càng gấp gáp để rồi yếu dần đi lúc nào không hay. Thà người ta cứ nói nên làm thế này, nên làm thế kia còn thấy nhẹ lòng, đằng này cứ câu nào bật ra cũng là trách nhiệm và trách nhiệm. Thiệt buồn.
Đó là lý do người ta ghét trách nhiệm đến vậy. Bất cứ hành động nào, công việc nào cần đến trách nhiệm, tự nhiên nghe thấy sợ, tự nhiên cảm thấy gò bó.
Nói đi cũng phải nói lại, suy cho cùng, “trách nhiệm” vẫn luôn tồn tại dẫu cho nó thật đáng ghét là vì nó là thứ cuối cùng giữ cho con người không sa ngã. Nếu không có trách nhiệm, người ta dễ gục vào những cái xấu xa trên đời, dễ bị quyến rũ bởi những cái độc ác lẩn quẩn xung quanh. Nói cách khác, trách nhiệm là thứ duy nhất cố gắng duy trì phần người của mỗi cá thể, để không bị phần con lấn át.
“Trách nhiệm” vẫn luôn tồn tại dẫu cho nó thật đáng ghét là vì nó là thứ cuối cùng giữ cho con người không sa ngã
Một người đàn ông nếu ý thức được trách nhiệm mình mang, sẽ không vì một cô gái trẻ trung mà bỏ rơi người vợ tảo tần với đứa con nhỏ bé ở nhà. Một người con nếu biết trách nhiệm của mình là ở đâu trong gia đình, ắt sẽ cố gắng cho cha mẹ đầy đủ và làm cha mẹ yên lòng. Một cậu học sinh nếu biết trách nhiệm của mình là gì, ắt sẽ cân bằng được việc học hành và chơi game giải trí… Vậy đó, trách nhiệm nếu đi cùng với sự tự nguyện, sự thấu hiểu sẽ không còn là xiềng xích nữa, chỉ đơn giản là một sợi dây níu giữ con người ở lại với phần tốt đẹp của mình, níu giữ tâm hồn của mình tránh phải sa vào những điều nhơ bẩn.
Trách nhiệm thật ra không xấu nhưng nó khá phiền. Nhiều khi sau những lần chán ghét nó, người ta lại cảm ơn vì nó đã níu giữ mình như vậy. Sống cho mình thôi chưa đủ, còn phải có trách nhiệm với những người vì mình mà sống nữa.
Chia sẻ ý kiến của bạn